VẤN ĐỀ TRUY XUẤT NGUỒN GỐC, XUẤT XỨ HÀNG HÓA, GHI NHÃN HÀNG HÓA ĐỐI VỚI CÁC SẢN PHẨM HÀNG HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
30/09/2019
Hiện nay, vấn nạn "thực phẩm bẩn" ngày càng lan rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng, cũng như các hoạt động khác trong đời sống xã hội. Đó là việc sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát, sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng được gắn mác sản phẩm đặc sản địa phương, vùng miền để đánh lừa người tiêu dùng. Trong thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã đề xuất nhiều giải pháp quản lý nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Các Hiệp hội, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp chưa tìm được giải pháp hữu hiệu để quản lý, giám sát và giới thiệu, quảng bá đến người tiêu dùng về truy xuất nguồn gốc của sản phẩm hàng hóa do các tổ chức/ cá nhân sản xuất. Đặc biệt đối với các sản phẩm nông sản, lương thực, thực phẩm, rau củ quả,…. Một số sản phẩm mặc dù đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nhận dạng rõ ràng cho người tiêu dùng, chưa quản lý được chính xác nguồn gốc, chất lượng và sản lượng cung cấp ra thị trường.
Trước thực trạng đó, một số tổ chức, doanh nghiệp đã có giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp phục vụ quản lý, giám sát quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, theo dõi thị trường tiêu thụ sản phẩm, kết hợp việc xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu sản phẩm. Là công cụ giúp người tiêu dùng có được thông tin chi tiết về sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, đồng thời giúp cho các nhà quản lý, các hiệp hội thực hiện việc quản lý, giám sát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường. Giải pháp hiện nay đã và đang được ứng dụng là phần mềm tem điện tử truy xuất nguồn gốc tại một số địa phương trên toàn quốc áp dụng như các tỉnh thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Điện Biên, Sơn La, Bắc Ninh... nói chung và Nghệ An nói riêng cho các đối tượng sản phẩm nông sản, rau củ quả, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng,…
Sử dụng tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho sản phẩm cam Vinh
Việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc điện tử là một giải pháp ứng dụng mới có hiệu quả và rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay để mục đích là truy xuất được nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu đối với sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm đặc sản, sản phẩm có thương hiệu như chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu hiệu tập thể.
Ở Nghệ An, UBND tỉnh giao Sở KH&CN thực hiện nhiệm vụ KHCN: "Tổ chức quản lý và cung ứng tem nhãn về chỉ dẫn địa lý Cam Vinh" đã mang lại hiệu quả, hiệu ứng và sức lan tỏa đối với việc dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm cam quả nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý" Vinh", sau việc thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm Cam quả mang chỉ dẫn địa lý "Vinh" thì một số sản phẩm với mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Nước Mắm Vạn Phần, Tương Sa Nam, nấm sạch ATC, Ổi, Bơ Nghĩa Đàn, Bưởi, Rượu Mú từn, Rượu cam Con Cuông, Gà Thanh Chương, Giò chả, Rau củ quả Con Cuông... và nhiều sản phẩm nông sản khác của địa phương đã được dán tem truy xuất nguồn gốc và doanh thu đã tăng trưởng từ 20-30%, đồng thời mở rộng thị trường tại một số tỉnh trên toàn quốc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có khoảng hơn 30 sản phẩm thực hiện việc dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây cũng là điều đáng mừng cho sản phẩm đầu ra của bà con nông dân được tiêu thụ, khẳng định chất lượng, thương hiệu, uy tín và mang lại hiệu quả kinh tế. Dự kiến tới đây sẽ có khoảng hơn 30 sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn, trong đó, có một số sản phẩm thuộc vùng dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc.
Rượu Mú Tùn là sản phẩm đã được dán tem truy xuất nguồn gốc
Để thúc đẩy sự phát triển hàng hóa của địa phương rõ nguồn gốc xuất xứ các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương quan tâm đến các sản phẩm đặc sản làng nghề, đặc sản truyền thống của địa phương, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật cho các tổ chức/cá nhân và tuyên truyền để người tiêu dùng nhận biết được tem truy xuất nguồn gốc. Để đạt hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tránh tình trạng hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm, không đảm bảo chất lượng cũng dán tem và sử dụng tem giả để dán lên sản phẩm.
Ổi Nghĩa Đàn được dán tem truy xuất nguồn gốc đem lại giá trị cao cho hàng hóa
Ngày 25/3/2014, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 24/201/QĐ-UBND Quyết định ban hành cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trên địa bàn cụ thể:
Hỗ trợ các nội dung trong lĩnh vực Tiêu Chuẩn Đo lường Chất lượng: Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến phù hợp các tiêu chuẩn: ISO 9001, ISO 22000, HACCP, GMP, GlobalGap và các hệ thống quản lý chất lượng hiện hành đang được áp dụng trong nước, quốc tế; (30 triệu đồng đối với chứng nhận lần đầu).
Chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn quốc gia, quốc tế (Mức hỗ trợ 10 triệu đồng/sản phẩm); Đăng ký mã số mã vạch trong nước, nước ngoài (2 triệu đồng).
Hỗ trợ trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp: Cho các tổ chức/cá nhân đăng ký bảo hộ trong nước về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm mà DN đang sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. (10 triệu đồng/nhãn hiệu/kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm); Đăng ký bảo hộ nước ngoài về nhãn hiệu, hoặc kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm (50% tổng chi phí nhưng không quá 20 triệu đồng); Phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được ứng dụng vào sản xuất gắn với sản phẩm, được Hội đồng thẩm định, đánh giá cao và có giá trị khoa học, công nghệ đem lại hiệu quả KT-XH (30 triệu/sáng chế hoặc giải pháp hữu ích).
Hỗ trợ các tổ chức/cá nhân tham gia chợ công nghệ, thiết bị trong nước và quốc tế được Hội đồng thẩm định xác nhận: Tham gia Hội chợ công nghệ, thiết bị vùng Bắc Trung Bộ (10 triệu đồng/ đơn vị); Tham gia Hội chợ công nghệ, thiết bị ngoài vùng Bắc Trung Bộ (20 triệu đồng/ đơn vị); Tham gia Hội chợ công nghệ, thiết bị Quốc tế ( Không quá 30 triệu đồng/ đơn vị);
Hỗ trợ tham gia sàn giao dịch công nghệ Nghệ An: các tổ chức/cá nhân có công nghệ, thiết bị sản phẩm tham gia tại sàn Giao dịch công nghệ Nghệ An, Hội đồng thẩm định có hiệu quả KT-XH hỗ trợ chi phí trang trí gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm (10 triệu đồng/ lần tham gia)
Hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin thương mại điện tử: các tổ chức/cá nhân xây dựng hệ thống thương mại điện tử được Hội đồng thẩm định đánh giá có hiệu quả Kinh tế - xã hội thì hỗ trợ tên miền, thuê máy chủ, đường truyền Internet trong 1 năm đầu và chi phó thiết kế xây dựng hệ thống thương mại điện tử (20 triệu đồng/tổ chức, cá nhân).
Hỗ trợ trong thực hiện các dự án đầu tư công nghệ mới, đổi mới công nghệ, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN được hội đồng thẩm định đánh giá dự dự án có giá trị KHCN mang lại hiệu quả kinh tế xã hội: Chi phí chuyển giao công nghệ, chi phí nguyên liệu, năng lượng sản xuất thử; chi phí mua thiết bị mới tiên tiến, hiện đại trong dây chuyền và thiết bị kiểm tra chất lượng; chi phí kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất thử, chi phí quảng cáo, giới thiệu sản phẩm, chi phí hỗ trợ đào tạo tập huấn về kỹ năng tay nghề, năng lực quản lý công nghệ và đổi mới công nghệ cho cán bộ kỹ thuật (Không quá 30% tổng chi phí các nội dung trên nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án).
Năm 2018, UBND tỉnh đã Quyết định hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức, cá nhân ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ với tổng số tiền là: 730.000.000 triệu đồng. Trích ngân sách từ Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ năm 2018 cho các tổ chức/cá nhân thực hiện các nội dung theo Quyết định số 24/2014/QĐ-UBND).
- Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 72/2015/QĐ-UBND ngày 18/12/2015 quy định về chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An xây dựng và phát triển thương hiệu giai đoạn 2016-2020. (Trong đó quy định mức hỗ trợ 100% chi phí cho công tác đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng, quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp; Hỗ trợ 50% tổng chi phí nhưng không vượt 100 triệu đồng cho một trong các nội dung: Thiết kế lô gô, hệ thống dấu hiệu nhận diện và xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp; Tư vấn xây dựng các hoạt động truyền thông marketing, quảng bá các thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài Truyền hình, báo của Nghệ An, Trung ương và trên các website có giao dịch quốc tế lớn. Hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu khi có tranh chấp hoặc khi bị vi phạm thương hiệu).
Việc tuyên truyền cho tổ chức/ cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nhu cầu và quan tâm đến việc công bố tiêu chuẩn áp dụng, đăng ký sử dụng mã số mã vạch, bảo hộ đăng ký nhãn hiệu, kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa (thử nghiệm các sản phẩm do tổ chức/cá nhân sản xuất) truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho các sản phẩm lương thực, thực phẩm, nông sản trên địa bàn bằng tem điện tử thông minh là hết sức cần thiết và tạo nên giá trị hàng hóa của sản phẩm./.
Thái Thị Hồng Liên, Phó Chi cục trưởng
Chi cục Tiêu chuẩn Đo Lường Chất lượng Nghệ An