Tin tức sự kiện

MỘT CÁCH HIỂU VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA TIÊU CHUẨN

14/10/2021

Trong cuộc sống, cái gì đó được xem là đúng, phù hợp với nhiều người, với nhiều đối tượng thì chúng ta gọi đó là chuẩn mực để phán xét, đánh giá. Vậy trong khoa học, trong quản lý nhà nước, thuật ngữ  “Tiêu chuẩn” được các nhà khoa học, nhà quản lý về chất lượng định nghĩa thế nào và có những tổ chức nào nghiên cứu về tiêu chuẩn? Nó có vai trò như thế nào trong đời sống?

Theo định nghĩa của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Việt Nam):

Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng. Tiêu chuẩn có 02 loại, đó là Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS).

Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác. Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng. Quy chuẩn kỹ thuật có 02 loại, đó là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP).

Như vậy, có thể hiểu, Tiêu chuẩn là chất lượng mà đối tượng của tiêu chuẩn hướng tới nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của tổ chức, cá nhân sử dụng. Quy chuẩn kỹ thuật là “hàng rào kỹ thuật” để đối tượng được cung cấp, trao đổi, lưu thông tại một quốc gia, một địa phương ban hành quy chuẩn khi đối tượng đó đủ điều bảo đảm an toàn, vệ sinh, sức khoẻ con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác.

Tựu chung, Tiêu chuẩn hay Quy chuẩn cũng đều là tiêu chuẩn và có một mục đích chung là hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội, đưa tới sự thỏa mãn tối đa cho tổ chức, cá nhân sử dụng các đối tượng được điều chỉnh bởi nó.

Cũng như trong cuộc sống hàng ngày, nếu biết tìm kiếm, xây dựng, áp dụng các chuẩn mực trong đối nhân xử thế, các chuẩn mực về lối sống, … cho riêng mình thì tất yếu bạn sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người về nhân cách sống, sẽ có một gia đình hạnh phúc, có một sự nghiệp vững chắc và nhiều hơn thế nữa. Trong hoạt động kinh tế - xã hội cũng vậy. Trước xu thế toàn cầu hóa về mọi mặt cộng với công cuộc cách mạng 4.0 đã làm cho khoảng cách giữa mọi người, giữa tổ chức với tổ chức và các mỗi quan hệ khác gần như không đáng kể. Tuy nhiên để khoảng cách được giảm dần thì chúng ta phải tuân thủ luật chơi chung của thế giới, luật chơi riêng của từng đối tác, … chúng ta phải hiểu, tôn trọng và cố gắng đáp ứng bằng được yêu cầu của từng đối tác trong từng lĩnh vực sản xuất sản phẩm hàng hóa, lĩnh vực cung cấp dịch vụ, lĩnh vực khoa học kỹ thuật …

Ví dụ bạn muốn xuất khẩu một mặt hàng bất kỳ vào một quốc gia nào đó. Trước hết, sản phẩm của doanh nghiệp bạn phải có tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với chất lượng mà đối tác mong muốn, tức là phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng của đối tác về mặt hàng đó. Mặt khác, nếu loại hàng hóa đó là sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, tức là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lí và đúng mục đích vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì phải vượt qua được các “hàng rào kỹ thuật trong thương mại”, chính là quy chuẩn kỹ thuật hoặc quy định khác của quốc gia nhập khẩu.

Như vậy, nếu doanh nghiệp bạn không đưa ra tiêu chuẩn phù hợp đối với sản phẩm hàng hóa mình sản xuất thì rất khó có thể bán, xuất khẩu cho đối tác, quốc gia có yêu cầu khắt khe về chất lượng. Bên cạnh đó, tính cạnh tranh của mặt hàng của doanh nghiệp bạn tại thị trường trong nước sẽ thấp hơn so với các doanh nghiệp sản xuất trong nước có tiêu chuẩn chất lượng công bố cao hơn, cũng như các sản phẩm ngoại nhập tương tự. Đây chính là cầu trả lời cho câu hỏi: Tại sao người tiêu dùng của các nước kém phát triển và các nước đang phát triển lại thích tìm mua các sản phẩm, hàng hóa ngoại nhập, đặc biệt là các nước phát triển như Nhật, Hàn, Úc, Pháp, Mỹ, …  và cũng rất dễ tìm kiếm các sản phẩm này trên đất nước của họ. Người tiêu dùng nước phát triển lại khó tìm mua các sản phẩm của các nước kém phát triển và các nước đang phát triển trên thị trường của đất nước họ? 

Trên thế giới có rất nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa như Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Viện kỹ nghệ Điện và Điện tử (IEEE) và Lực lượng đặc nhiệm Kỹ thuật mạng (IETF), … Mỗi quốc gia sẽ có cơ quan nhà nước là chức năng đầu mối quản lý, hoạch định việc xây dựng, ban hành, công bố, áp dụng, đánh giá sự phù hợp của tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ở Việt Nam là Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ quản lý chuyên ngành. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng là đơn vị tham mưu trực tiếp cho Bộ Khoa học và Công nghệ về công tác tiêu chuẩn hóa. Các chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng địa phương là cánh tay nối dài trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức cá nhân trên địa bàn thực xây dựng, ban hành, công bố, áp dụng và đánh giá sự phù hợp, …

Vì tầm quan trọng của tiêu chuẩn, nhằm nâng cao nhận thức cho các nhà quản lý, ngành công nghiệp và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc tiêu chuẩn hóa cho nền kinh tế toàn cầu và tôn vinh những chuyên gia nỗ lực nghiên cứu và phát triển tiêu chuẩn nói chung. Các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đã quyết định chọn ngày 14 tháng 10 là Ngày Tiêu chuẩn thế giới vì vào ngày này năm 1946 ở Luân Đôn, đại biểu đến từ 25 quốc gia đã quyết định tạo ra một tổ chức quốc tế thiết lập tiêu chuẩn hóa.

 

 

Để kỷ niệm Ngày này, thông thường đại diện cho các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, ba tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế hàng đầu là IEC, ISO, ITU thống nhất đưa ra các Thông điệp phù hợp với tình hình phát triển khoa học kỹ thuật, kinh tế, xã hội hằng năm. Thông điệp Ngày tiêu chuẩn thế giới 2021 là: Tiêu chuẩn phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) - tầm nhìn chung cho một thế giới tốt đẹp hơn (Standards for SDGs – Our shared vision for a better world). Các Mục tiêu phát triển Bền vững (SDG), nhằm giải quyết sự mất cân bằng xã hội, phát triển nền kinh tế bền vững và làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu, hàm chứa nhiều tham vọng. Để đạt được các mục tiêu này đòi hỏi sự hợp tác của nhiều đối tác nhà nước và tư nhân, đồng thời cần sử dụng các công cụ sẵn có, bao gồm cả tiêu chuẩn quốc tế và đánh giá sự phù hợp.

Qua đó, chúng ta thấy được Tiêu chuẩn là đích hướng đến, là hình ảnh, là tiếng nói trọng lượng để tạo niềm tin cho khách hàng, khẳng định vị thế, thương hiệu trên mỗi thị trường khác nhau của mọi tổ chức, cá nhân.  Mặt khác, Tiêu chuẩn là thước đo quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, nhìn nhận được sự thông thái của người tiêu dùng, người sử dụng và là căn cứ  pháp lý quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường, …